Trích "Cái dũng của thánh nhân" Trích "Cái dũng của thánh nhân"
910 10

Bài viết Trích "Cái dũng của thánh nhân"

Trích "Cái dũng của thánh nhân"

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Tinh thần độc lập

Nếu tự mình có điều đáng khinh, thì thiên hạ dẫu có tôn sùng bấy nhiêu, cũng vẫn tự xem là
xấu hổ. Tự mình biết có điều đáng khen, mà thiên hạ có ruồng bỏ, khinh miệt thế nào, cũng vẫn
tự xem là quý trọng

Kẻ thật thông thái, nhưng có tính khiêm tốn, làm như kẻ ngu khờ. Đời càng không biết đến
họ chừng nào lại là một cơ hội họ thấy mình sung sướng. Của quí mà thiên hạ đều biết là quí,
là đã mất cái quí của nó rồi.

Kẻ nào có một tinh thần độc lập, không chuộng hư danh, là kẻ đứng trên thiên hạ rồi vậy.
Tư tưởng, ý kiến quyết đoán của họ bất kỳ thuộc về phương diện nào, cũng đều lo họ trước hết,
còn dư luận của thiên hạ, họ luôn luôn để ra sau.
Họ có hoài bão một điều gì, thì nhất định họ để yên lặng trong tâm hồn không đem ra mà
bàn bạc với ai cả, ngoài những kẻ sẽ cùng họ cộng tác. Họ không cần phải có người khuyến
khích khen ngợi mới làm, sự xét đoán của họ đủ rồi. Phải giải thoát những ảnh hưởng của
chung quanh mình trước hết, mới có thể mong giữ được tấm lòng thản nhiên trầm tĩnh đối với
sự khinh khi chế nhạo...

"Không ai kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn được".

Bất bình đẳng là một luật tự nhiên, nhưng giá trị của mỗi vật, nếu hoàn toàn, cũng đồng như
nhau. Lấy theo sinh lý thì con người có thể chia ra làm bốn hạng, do hình thể mà phân loại:
hạng não chất, hạng tỳ chất, hạng cân chất và hạng phế chất. Hạng não chất mà bắt chước theo
hạng phế chất hay cân chất, làm việc xốc vác nặng nề, dầm sương dãi gió, thì sẽ không làm nên
trò trống gì, lại còn thêm bệnh là khác. Còn hạng cân chất mà bắt làm việc trong phòng văn,
thiếu hoạt động, thiếu không khí ắt phải bị lao và không nên thân gì cả. Nhưng không phải vì
thế mà hạng này cao trọng hơn hạng kia. Nếu hạng nào biết lợi dụng cho đúng cách những tài
năng của mình, hạng ấy sẽ trở nên hoàn toàn, rất có ích cho kẻ khác, đâu phải là nhục. Vọng
tưởng như vậy là tài, như kia là quí, mà quên mất địa vị trọng yếu của mình trong guồng máy xã
hội, đó là nguyên nhân sinh ra cái tánh ham bắt chước kẻ khác, trọng người mà khinh mình.
Phải dám "mình là mình" đó là một cách để giữ gìn sự độc lập của tinh thần vậy.

Không hề gì! Có dại mới có khôn, có hư mới có nên; bất kỳ là việc gì, đừng nhút nhát rụt
rè, phải có đủ can đảm mà làm theo ý mình. Ta cũng không cần phải bàn cãi với ai làm chi cho
nhọc, cứ ừ ừ hử hử... rồi thì, việc mình tính mình làm, đừng làm mích lòng ai bằng sự cãi cõ
vô ích.

Không cần phải đợi gặp những trường hợp ấy mới tập đối đầu để giữ gìn thái độ độc lập
của mình. Lúc nhàn rỗi, hãy sống bằng tưởng tượng trong cảnh ấy đi. Hãy tưởng tượng mình có
một cử chỉ đ àng hoàng, thản nhiên tiếp chuyện với bất kỳ hạng người nào, vô ra các công sở
lớn, như vô ra chỗ quán nước trong xó làng... Lâu ngày, việc ấy nó thấm thía vào tiềm thức: sau
này nếu gặp những cảnh ngộ như thế, ta sẽ tự nhiên cư xử như khi sống trong tưởng tượng trước
kia, không miễn cưỡng ngượng ngùng gì nữa cả.

Gặp phải việc, nên có can đảm từ chối bằng một tiếng nói thôi. Không cần phải cắt nghĩa
vì lẽ gì mình từ chối. Cũng đừng nói một cách cộc lốc đột ngột. Phải từ chối một cách vui vẻ,
nhã nhặn để khỏi phải làm đau đớn kẻ khác vô ích.

Trách nhiệm

Người vô trách nhiệm là người vô tâm, mà vô tâm, là để tâm hồn mình tha hồ cho ngoại
cảnh lôi cuốn, sai sử, người như thế là người nô lệ, không thể điềm đạm được. Điềm đạm là
hiện tượng của một tâm hồn tự chủ, hết sức hữu tâm trong các hành vi hay tư tưởng của mình.
Ta cần phải tập cái tánh "ham trách nhiệm" ngay từ lúc nhỏ, không thế, lớn lên khó mà trừ
khử nó cho dễ dàng bởi vì "thói quen" vô trách nhiệm cũng đáng sợ vậy.

Ám thị

Người bị ám thị là người đã mất tự chủ, chỉ làm theo kẻ khác làm, nói theo kẻ khác nói; mừng, giận, thương, vui cho đến tư tưởng cũng theo chỉ thị của kẻ khác.

Phần đông sống không mục đích, họ ghiền sách báo, ghiền radio, ghiền phát bóng, cũng như họ ghiền rượu hay á phiện vậy. Thiếu mấy món kích động ấy. Họ thấy đời sống như thiếu thốn bất thường.
Vậy, muốn dạy cho con người biết cậy lấy sức mạnh tinh thần của mình và chống cự với mọi sự quyến rũ bên ngoài đừng trở nên những kẻ ghiền nát báo chí, ghiền nát radio, cinema một cách thái quá, phải làm cách nào?
Trước hết, phải tập tự tiêu khiển bằng sức mình, tự chế tạo lấy đồ vật, tự học một nghệ
thuật, hoặc nghiên cứu về một môn học nào. Hãy tùy thích tập lấy một nghề thủ công nào, như
nghề thợ mộc, thợ máy, thợ sơn... hay học đ àn, học vẽ... chẳng hạn.

Đừng Nói Sai

Washington, lúc còn trẻ, một hôm đẽo cây quý của cha trồng. Lúc cha của ông đang hầm
hầm giận dữ, ông vẫn có đủ can đảm thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Cha thấy con
như thế, đổi giận làm vui, ôm con và nói: "Tất cả tài sản của cha không quý bằng cái tánh ngay
thật của con". Thật vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bậc anh hùng cái thế.

Đừng có nói: "Một lần, đâu phải thói quen".
Không! "Kẻ trộm một hột gà, sẽ trộm một con bò".

Thôi Tử là quyền thân nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai
nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không, nhất quyết không
chịu thề.
Thôi Tử bảo Án Tử: "Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì chia cho một nửa, Nhược bằng
không nghe, ta giết ngay lập tức".
Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết
đến nơi, mà Án Tử không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: "Lấy lợi mà nhử người ta, bảo
người ta phản bội quân thượng là bất nhân; lấy binh khí hiếp đáp người ta, mà làm cho người
ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm".
Thôi Tử nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy, khoan thai bước ra.

Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý.
Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Tề bảo: "Phải có Nhạc Chính Tử đem cái đỉnh sang nói, ta mới tin".
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.
Nhạc Chính Tử hỏi: "Sao không đưa cái đỉnh thật?".
Vua Lỗ nói: "Ta quý nó lắm". Nhạc Chính Tử thưa: "Nhà vua quý đỉnh ấy thế nào, tôi quý cái
đức "Tín" của tôi cũng như thế".
Sau Vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Càng nói dối chừng nào thì
cái dũng khí của mình càng suy nhược chừng ấy. Cho nên những kẻ ham nói dối là những người
khiếp nhược. Mỗi khi ta nói dối là mỗi khi ta nuôi dưỡng tánh hèn nhát của ta.

Thánh Gandhi là người thứ nhất dám tự hào: "Tôi không bao giờ biết nói dối". Thật vậy,
mặc dầu ông là một nhà chính trị, đối với phe nghịch ông, ông cũng không bao giờ nói dối để
được việc cho mình. Lời nói ông là một bảo đảm chắc chắn hơn tất cả những hiệp ước. Hễ ông
hứa một điều gì, thì việc ấy kể là đã được ông thi hành rồi. Theo luật Võ sĩ đạo (Bushido) của
người Nhật cũng vậy. Họ lấy sự giữ lời hứa là một danh dự riêng của người đại dũng. Nói dối,
theo họ, là một khiếp nhược.

Truyền rằng Gandhi sở dĩ có được một tinh thần như thế là nhờ sự khéo léo dạy dỗ của bà
mẹ. Một hôm Gandhi đi học về. Lúc ấy ông còn nhỏ. Vì sợ bị quở trách, ông dối mẹ. Bà mẹ
biết, liền nhất định không ăn cơm. Ông khóc lại cầu khẩn mẹ ăn, nhưng bà mẹ kiên quyết không
chịu thay đổi ý kiến. Gandhi là người con chí hiếu, khóc lóc xin mẹ cho rõ vì đâu mẹ giận. Bà
nói: "Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối là tỏ ra mình có một tâm hồn
khiếp nhược. Có con như thế là một cái nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa". Gandhi bèn
quả quyết đứng lên, đi thẳng lại chỗ nấu ăn, lấy một cục lửa than để trên bàn tay và nói: " Con
thề với mẹ, suốt đời con không bao giờ nói dối". Bà mẹ mừng quá, ôm con vào lòng khóc:
"Được vậy, thời mẹ mới đủ can đảm sống nữa với con". Về sau Gandhi không bao giờ thất hứa
với mẹ. Ông thường bảo với kẻ khác: "Cái vết trên bàn tay tôi đây là hình bóng của mẹ tôi
không bao giờ rời khỏi tôi. Đấy là vị thiên thần phò hộ tôi mãi ở trong vòng thành thực và danh
dự".

Nếu vì lợi cho mình mà nói dối, đó là vì khiếp nhược mà nói, nhất định không nên làm. Nhược bằng vì lợi cho người mà nói dối, thì cái dối ấy có khi chỉ ở trong những trường hợp như thầy thuốc với bệnh nhân, hoặc gặp phải những sự nguy hiểm của kẻ khác, mình cần phải giấu để cứu họ thoát khỏi tai hạn, là có thể làm được mà không phải giảm đến cái dũng khí của mình thôi.

Ở bên Ấn Độ, các nhà đạo sĩ tịnh tâm thường hay dùng sự "cấm khẩu" làm diệu pháp.
Trong lúc "cấm khẩu" họ không bị một lực lượng gì bắt buộc họ phải nói trái với ý nghĩ họ. Họ
tha hồ muốn nghĩ thì nghĩ theo sự thật. Lâu ngày, họ mất cái thói quen nói dối. Đó là một cách
tu luyện tinh thần bất uý rất hay. Ở trong đời, ta không thể cấm khẩu đặng như các đạo sĩ ấy, thì
hãy "cấm khẩu" ngay những lúc hoàn cảnh bó buộc ta không thể nói ngay sự thật.

Trí Tưởng Tượng

Phần đông tưởng rằng đi đâu hay ở đâu, người ta hay để ý đến mình, rình mò quan sát
mình. Nào phải có thật như vậy đâu... Có ai ở đời mà lo xem xét mình, để biếm nhẻ chế nhạo
mình. Ở đời, ai cũng có việc riêng, không ai công không mà lo phê bình mình. Vả, nếu có phê
bình đi nữa thì có ăn thua gì đến ta. Nhất định, phải loại trí tưởng tượng ra khỏi vòng trí thức
của mình trong khi mình muốn phán đoán một việc gì cho chính đính.

Napoléon, khi ra trận, lắm lúc vào sanh ra tử, vẫn như không, nhờ nơi đâu? Mỗi phần do
nơi tâm tánh anh hùng của ông, nhưng nếu phải nói cho đúng hơn, do nơi cái đức tin về số
mạng của ông. Ông thường bảo: "Số ta không bao giờ bị thương". Trí tưởng tượng của ông hết
sức mạnh. Ông tin rằng đời ông không hề bị thương tích bao giờ. Một khi kia, ông mạo hiểm
đến bảo một nhà thiện xạ, đứng xa ông 100 thước, cứ nhắm bắn ông. Người ấy chỉ bắn trúng
cái mũ của ông thôi. Ông khen: "Thật là tay thiện xạ". Dẫu rằng những tích ấy là câu chuyện về
ngoại sử, nó vẫn hàm một ý nghĩa rất sâu xa về ảnh hưởng của đức tin, của tưởng tượng trong
cuộc đời oanh liệt của các anh hùng dũng sĩ là như thế nào.

Cách Phán Đoán Về Sự Đời

"Làm cho người phiền muộn, không phải là tự ở sự vật, chính là ở cái cách mà người ta
phán đoán về sự vật. Như cái chết có gì gọi là đáng sợ đâu, nếu đáng sợ thì ông Socrate đã
sợ; nhưng đáng sợ, là sự phán đoán rằng cái chết là đáng sợ. Như vậy thời mỗi khi ta buồn
bực, bối rối, phiền não, ta đừng trách ai, chỉ trách ta, nghĩa là trách sự phán đoán của ta mà
thôi".
"Phải nhớ rằng: làm nhục cho mình, không phải là kẻ nó chửi mình, nó đánh mình, nhưng là
tự mình phán đoán cho rằng nó làm nhục mình. Có kẻ nào làm cho mình giận dữ thì phải biết
rằng chính sự phán đoán của mình nó làm cho mình giận dữ đấy".
Sự vật như mảnh gương trong, nếu mình cười, thì nó trả cái cười lại cho mình; nếu mình
khóc, nó trả cái khóc lại cho mình.

Tôi thường tự hỏi: "Người đánh ta, giận ta, là tại người hay tại ta làm cho ta giận". Nhưng
nếu ta biết người đánh ta là người điên, ta có còn giận người ấy nữa không? Chắc hẳn là không
nếu ta là người biết xét. Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi
phải nổi cơn giận dữ.

Mạnh Tử nói: "Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang
ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ
dần ra thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền
não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan...
... Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không, lỡ đâu phải ta,
như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận".

Cách Socrate xử với người vợ rất hung dữ của ông cũng như thế. Một khi kia, có bạn rủ đi
sớm. Bà la lối gầm hét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà lại đứng trên lầu
đổ trút thau nước dơ lên đầu ông... Các bạn ông tỏ dấu bất bình phản đối... Ông cười và bảo:
"Thì có gì lạ, hễ trời hết gầm, thì tới mưa". Ông thản nhiên trở vô thay áo.
Một lần khác, ông mời các bạn dùng cơm tại nhà. Không biết có việc gì, bà vợ bưng cả đồ
ăn (ông ăn ròng rau trái) quăng ra ngoài cửa sổ.
Ông cũng như thường, tươi cười bảo: "Thì bà muốn chúng mình ra sân mát mẻ hơn".
Quá sức tức tối, bà bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ông lượm sắp vô mâm, dĩa... Các
bạn ông giận đỏ mặt, muốn gây sự. Ông biết trước đã nắm tay áo các ông bạn lại và ôn tồn
bảo: "Ví dụ các anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào, làm văng cả bát
đĩa. Các anh có đi gây sự với nó không?".

Không tùng ta như: sanh, tử, tai nạn, giàu, nghèo, sang, hèn,... Những điều ấy nó đến cho ta
hoặc nó bỏ ta mà đi, ta không quyền cản trở nó được. Những điều người khác ban cho ta đặng,
họ cũng có thể lấy lại đặng. Cái đó ta không cần phải quan tâm đến. Quan tâm đến nó, là làm
nô lệ cho nó. Đã mất cả sự tự chủ của mình rồi.

Chết là một định mạng, tìm mà trốn tránh nó vô ích... Cho nó là đáng sợ hay không đáng sợ
là cách mình đón tiếp nó. Thể thống con người trong cái guồng máy ghê gớm của tạo vật, chỉ
có bấy nhiêu đó gọi là Tự do thôi.

Ở đời, hễ có Sanh thì có Tử, có Lợi tất có Hại, có Nên tất có Hư. Muốn có Lợi mà không
có Hại, có Nên mà không có Hư, có Sanh mà không có Tử, là người hết sức mê loạn.

Nhưng mà con người thường chỉ muốn có Nên, có Lợi mà không có Hư, có Hại, cho nên
đối với sự đời không thể giữ gìn đặng sự điềm tĩnh. Đặng thì sướng, mất phải khổ. Nên mà vui,
thì hư tất phải buồn... Tâm trí con người bị mắc trong cái vòng lẩn thẩn của cái Sợ, làm gì
không sanh ra khiếp nhược được. Chưa ắt đặng mà mừng, là họ thật sướng. Trong cái sướng ấy
đã có cái khổ rồi: sợ mất, nên phải kiên cố giữ gìn... Họ cũng tưởng đã tìm được cái Yên tĩnh
cho lòng rồi. Nhưng họ nào có dè... Họ phải đau khổ vì mảng lo sợ cho tương lai. Tương lai
đã báo cho họ biết: không có cái gì là trường cửu cả. Cái ý tưởng ấy nó giày xé tâm can họ, họ
phải lo nghĩ đủ điều để gìn giữ củng cố, cương với lẽ sinh liệt lạnh lùng của Tạo hóa. Cho nên:
đặng cũng khổ, mà mất cũng khổ. Tâm hồn họ không bao giờ yên tĩnh.

Người ta vì quá ham mê sung sướng về vật chất, thành ra tâm hồn phải trở nên hèn yếu bạc
nhược: họ rất sợ sự nghèo khổ... Trong nỗi lo sợ ấy, họ phải khép mình chịu nhiều nỗi khuất
nhục về tinh thần trước nhiều thế lực đáng bỉ. Không có một sự đ ê tiện nào họ không dám làm,
miễn gìn giữ được cái địa vị đã cung cấp cho họ sự sung sướng ấy là đủ. Họ tưởng họ làm chủ
lấy sự vật: thật ra, sự vật ấy làm chủ lấy họ mà họ không dè. Kẻ nào còn sống nô lệ lấy tình
dục mình, nô lệ lấy sự sung sướng mình... đều là những người không bao giờ mong mỏi đi vào
cõi Chí thiện của Điềm đạm được.

"Sủng vi nhượng, nhục
vi hạ; đắc chi nhược kinh, thất chi nhược kinh (Vinh trên thì nhục dưới; đặng, sợ mất; mất, sợ
nhục). Đó đều là những điều làm cho người khổ tâm khổ trí.
"Làm mà như không làm, lo lắng mà như không lo lắng; lớn nhỏ, nhiều, ít đều xem như
nhau: khen không mừng, chê không bận, đó là cái hạnh của Thánh nhân vậy".

Như trong cuộc bắn kia. Nếu món định thưởng là một vật bằng đất giá hèn, người bắn
không bị mấy động lòng, thong thả dùng hết xảo diệu của nó. Nếu món đồ thưởng là một vật
bằng vàng hay bằng ngọc, người bắn sẽ bị cảm động nhiều quá, sự bắn của họ không còn chắc
chắn chút nào nữa hết".


Cái tâm trạng thanh cao mầu nhiệm và hùng dũng ấy, người xưa đã khéo ngụ tả trong câu
chuyện đắc đạo của Phật dưới gốc cây bồ đề: "Phật khi ngồi dưới gốc cây bồ đề, giác nhiên
ngộ đạo, tâm trí sáng suốt, hào quang tủa khắp bốn phương... làm rung động cả vạn vật chung
quanh.
Thần Mara, chúa tể các lực lượng của vật chất, của tội lỗi, của tối tăm... không thể chịu nổi có
người đã thoát khỏi được cái vòng nô lệ của mình, bèn đem cả đạo binh ma tướng quỉ đi kiếm
Phật.
Thần Cây, thần Đất cùng các vị thần của lực lượng tự nhiên đều nói với Mara: "Người ấy
đã đắc đạo rồi. Ấy là người sáng suốt nhất, không còn một sự tối tăm nào ẩn được bên người.
Đi làm gì đó? Ngươi sẽ phải thất bại ngay. Người ấy là người không còn ai trong trời đất này
thắng nổi nữa...".
Thần Mara tức giận, bèn hoá phép, nổi dông gió, làm cho phi sa tẩy thạch, đất nẻ núi
nghiêng... để khiếp hoảng Phật.
Thản nhiên, Phật ngồi như khúc gỗ, trong tâm lặng lẽ như không có việc gì.
Túng thế, Mara bèn nghĩ qua lấy Danh, Lợi, Nữ sắc cùng những cái mà lòng người dễ xiêu,
dễ động nhất để lay chuyển lòng Phật.
Lấy Danh để khêu gợi lòng tự ái; Lợi để gợi lòng tham muốn; lấy Sắc để gợi lòng dục
vọng...
Nhưng cũng không làm cho Phật động lòng mảy may nào cả.
Bây giờ là lúc dùng đến oai vũ; Mara bèn ra lệnh cho binh ma tướng quỉ cầm gươm giáo
xông vào, lấy tên lửa bắn vào mình Phật. Phật cũng vẫn thản nhiên, trong lòng bất động. Tên,
giáo vô gần tới là đã biến thành những đóa hoa thơm rớt chung quanh mình Phật.
Bây giờ, Mara xấu hổ nổi trận cuồng phong bay về động phủ.
Văng vẳng nghe hai bên đường các vị thần của các lực lượng tự nhiên bàn bạc với nhau:
Người ấy là người không còn một sức mạnh nào trong đời thắng được nữa. Người ấy đã làm
chủ cả sự vật trong trời đất rồi.

Kết luận

Trang Tử trong thiên Đạt Sanh có nói: "... Lúc Trọng Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng,
thấy một người tật bướu bắt ve bằng một cây sào dài, rất lẹ và rất chắc chắn cũng như nó bắt
bằng tay.
Trọng Ni nói với người ấy: "Anh thật là tài, xin cho tôi biết cái tên thuật của anh".
Tên tật bướu nói: "Thuật của tôi là đây: Trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng
thăng bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên, thì ít con ve
nào thoát khỏi tôi. Khi tôi để đứng đặng ba viên, thì mười con trật có một mà thôi. Khi tôi để
đứng đặng năm viên, tôi không hề trật con nào hết. Cái thuật của tôi là quy hết tinh thần của tôi
vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi, cho đến chừng nào nó
thành một khúc gỗ, không còn biết cảm động, không còn xao lãng nữa. Tuy trời đất là lớn, vạn
vật là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt đó thôi. Không chi làm cho tôi xao
lãng ngoài cái ý tôi muốn đó, con ve làm gì thoát khỏi tay tôi".
Đấy cũng là cái nghĩa "chuyên tâm bảo nhất" của Lão Tử vậy.

Từ khóa: Trích, "Cái, dũng, của, thánh, nhân", Trích "Cái dũng của thánh nhân"